Sunday, August 22, 2010

Mù Căng Chải

Di sản ruộng bậc thang
Mù Căng Chải

Nếu chỉ nghe thôi, ai cũng nghĩ Mù Căng Chải là xứ heo hút, nghèo nàn lạc hậu, quanh năm chìm trong sương mù, nơi mà ánh sáng văn minh không bao giờ chiếu đến nhưng đến tận nơi ta mới thấy không phải vậy. Mù Căng Chải ấy thực tế rất sôi động và phát triển, những con đường trải nhựa thẳng tắp, phố xá mọc lên nhiều với cảnh buôn bán nhộn nhịp và ẩn chứa một vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng xa xôi, một cái đẹp cuả tình người, tình đất vùng cao.

Địa lý

Mù Căng Chải là huyện miền núi ở phía tây tỉnh Yên Bái. Diện tích 1.199,3 km2. Gồm 1 thị trấn (Mù Căng Chải) và 13 xã (Kim Nọi, Hồ Bốn, Khao Mang, Mồ Dề, Chế Cu Nha, Cao Phạ, Nậm Có, Lao Chải, Dế Su Phình, La Pán Tẩn, Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt), huyện lị ở xã Mồ Dề. Dân số 38.200 (1999), gồm các dân tộc: Thái, Dao, Mông, Kinh. Địa hình núi cao xen thung lũng xâm thực. Có đỉnh Lang Cung (2.913 m) ở địa giới phía bắc và Phu Sung Mon (2.445 m) ở địa giới phía nam. Sông chính: Nậm Kim. Trồng lúa, ngô và cây công nghiệp: chè, trẩu. Chăn nuôi trâu, bò. Trồng rừng phòng hộ. Đường 13A Nghĩa Lộ - Than Uyên chạy qua. Trước đây là huyện của tỉnh Nghĩa Lộ; từ 1975, sáp nhập vào tỉnh Hoàng Liên Sơn; từ 7.1991, là huyện của tỉnh Yên Bái

Mù Căng Chải - nét đẹp tiềm ẩn

Mùa xuân đến với Mù Căng Chải, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên của những rừng thông cao vút bạt ngàn, của sắc hồng hoa đào, của sắc trắng hoa ban, hoa mận…, được ngắm mây bay rập rờn trên đỉnh núi hay dưới thung lũng. Bên cạnh đó, hương rừng, trái rừng và những làn gió mát rượi của vùng đất này cũng khiến cho tâm hồn khách tham quan trở nên thư thái.

Bên cạnh hình ảnh của núi rừng Mù Căng Chải, du khách còn được chứng kiến cuộc sống của những con người nơi đây, nét cần cù, chịu khó, với các phong tục tập quán mang đậm bản sắc vùng cao. Đến đây bạn còn được tham dự các trò chơi như ném pao, đánh đu của các cô gái, chàng trai người Mông và tham dự những lễ hội văn hoá khác.

Do vị thế của mình nên ở đây vẫn còn lưu giữ được những vùng rừng đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh Chế Tạo nằm ở phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều loại động thực vật quý hiếm ở Việt Nam và trên thế giới như quần thể vượn đen tuyền…

Ngoài việc thưởng ngoạn những cảnh đẹp du khách đến đây còn được đi dã ngoại, đi leo núi, cắm trại, tắm ở suối nước nóng và thưởng thức những món ăn ngon với nhiều hương vị độc đáo, hấp dẫn - một cảm giác dễ chịu mà ít nơi nào có được.

Sự hấp dẫn của Mù Căng Chải, đặc biệt đối với những nhà nhiếp ảnh, nhà thơ khiến cho nơi đây dù có heo hút xa xôi cách trở thế nào cũng phải đến cho kỳ được chính là những thửa ruộng bậc thang ôm viền trên những triền núi - một kỳ quan một kiệt tác nghệ thuật do bao thế hệ của người Mông khai phá được .

Ruộng bậc thang có ở hầu hết các xã và đẹp nhất là ở La Pán Tẩn, Chế Ca Nha và Cao Pa, khi đang ở vụ cày cấy, cỏ đã sạch, hết rạ mặt trời chiếu đến nó tạo nên sự tương phản ánh sáng rất đẹp. Thời điểm thứ hai là vào khi lúa chín, các triền núi phủ lên một lớp sóng vàng sai bông trĩu hạt.

Nếu bạn có thời gian, hãy đến với Mù Căng Chải một lần để thưởng ngoạn, tận hưởng những nét tiềm ẩn ấy.

Mù Căng Chải - di sản ruộng bậc thang

Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non, đó là ấn tượng ban đầu khi được đặt chân đến vùng đất thâm sơn cùng cốc của tỉnh Yên Bái: huyện Mù Căng Chải.

Gần 90% dân số ở đây là người Mông, 8% là người Thái, người Kinh chỉ có 2%. Người Kinh ở đây một nửa là cán bộ nhân viên, một nửa là dân buôn bán nằm ở huyện lỵ. Người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng. Còn lại mênh mông núi rừng hiểm trở là phần của người Mông. Người Mông giỏi vượt đèo trèo núi (nên còn có tên là người Mèo) đã biến núi đồi vùng cao này trở thành ngút ngàn ruộng bậc thang.

Mùa gặt ở Mù Căng Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, hương đất hương ngàn hòa với thứ thanh khí vô nhiễm của vùng cao, làm dịu vợi lữ khách miền xuôi.

Đến Mù Căng Chải duy nhất chỉ có quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ lên Yên Bái, từ Yên Bái đến Mường Lò 70km, ngủ tại đây để sáng sớm mai đi xe từ Mường Lò, xế trưa sẽ đến Mù Căng Chải. Đoạn này dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục. Chừng nào leo đến độ cao 1.750m, sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Căng Chải! Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, hãy nghỉ chân ở đây để thưởng thức thứ cơm lam nếp Mường ở Tú Lệ dẻo thơm đáo để.

Gọi là quốc lộ nhưng đường 32 từ Mường Lò qua Mù Căng Chải đến Than Uyên là đường đá lởm chởm, thường xuyên tắc đường vì sạt núi trong những ngày mưa. Đã nhiều lần Mù Căng Chải bị cô lập, mỗi lần trên nửa tháng.

Trước đây, đa số nhà ở của người Mông lợp bằng gỗ. Đó là gỗ lấy từ cây pơmu và samu, một loại thông đặc hữu chỉ có ở vùng núi cao Tây Bắc (nay không còn nhiều)

Gần huyện lỵ mới bắt đầu thấy nhiều ruộng bậc thang. Du khách có thể chụp ảnh, ngắm cảnh ở quãng đường 7km qua thị trấn huyện. Tuy nhiên, muốn thật sự được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng tráng và thiên đường ruộng bậc thang thì phải lội bộ từ vài giờ đến... vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi (xe đạp cũng chịu thua).

Cư dân Mù Căng Chải hiếu khách, nên bạn đừng ngạc nhiên nếu ai thấy mình cũng cười. Thịt heo, thịt gà ở đây vừa thơm vừa chắc thịt. Đặc sản quí giá nhất là chè Tuyết San, được hái từ những cây chè cổ thụ, nơi quanh năm sương tuyết. Bạn hãy thử mùi cho biết, vì về miền xuôi khó gặp được thứ thật (giá tại đây trên nửa triệu đồng một ký nhưng chỉ dành cho xuất khẩu).

Thung vàng ngày mùa Mù Căng Chải

Huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái với ruộng bậc thang tại ba xã Chế Cu Nha, Zế Xu Phình và La Pán Tẩn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng di tích cấp quốc gia

Đi khắp huyện Mù Căng Chải, là những con đường như dải lụa xanh rợn chân mây, là đồng màu, là rơm vàng sau cày ải để trồng ngô và đay.

Lữ khách phải vượt qua đèo Khau Phạ dài 30 cây số. Chỉ kém đèo Pha Đin hai cây, nhưng đường 32 dốc cao không kém gì đường Quốc lộ 6, tạo một vòng cung Tây Bắc hiểm trở và bí ẩn. Mùa gặt ở Mù Căng Chải không chỉ có ruộng bậc thang, bảng lảng mây và sương mù. Bảng lảng lúa vàng trong các thung lũng. Ruộng bậc thang còn chảy tới nhiều con suối không tên. Những người H’mông, người Dao, Phù Lá, mặc áo rực rỡ, gùi lúa về bản.

Lúa nếp Tú Lệ ở Mù Căng Chải, ngon vào bậc nhất nước Việt. Người sành ăn, lên Yên Bái sẽ chờ ăn cơm mới, ăn xôi đồ với lá tím thứ xôi ngũ sắc, được đo trong các chõ gỗ hoặc đất thó, thơm lừng, dẻo quánh mà không dính tay.

Lúa ở ruộng bậc thang Mù Căng Chải một năm một vụ, thưa thớt mới có ruộng trồng thêm rau màu, đay. Còn để cho đất thở. Bà con bảo thế.

Vụ đay trồng 70 ngày có thể cắt về phơi, nhuộm và dệt vải. Chị Chảo Kim Mẩy người Dao ở bản La Pán Tẩn bảo: Chị và các con đã gặt xong rồi, bây giờ các con học chữ, và chị cũng học chữ phổ thông để nói chuyện với khách du lịch, và cả người Tây nữa, họ đến đây nhiều lắm, xem bản thôi, và xem ruộng nữa. Họ rất hay đi xem ruộng.

Người Dao ở Mù Căng Chải hát giao duyên vào ngày hội, ngày lễ mừng cơm mới, ngày lễ hội Đông Cuông, ngày lễ Tết Nhảy. Họ chăm chỉ trồng đay, thêu dệt mũ áo váy với những hoa văn rực rỡ, đẹp mê hồn để rồi đi lễ hội. Chót vót trên thung lũng ở Mù Căng Chải, là nhà cháu Giàng Thị Văn, cháu bảo đi một tí thôi, mà một tí là leo núi, ruộng bậc thang nửa ngày mới tới bản người H\'mông. Bản chỉ khoảng hơn 60 nóc nhà, mái lợp fibro xi măng, ngói xám ngoét. Tường nhà thưng đất thó l00%. Có nhà còn trộn rơm pha đất phết thành tường. Mùa đông tường đất rất ấm, mùa hè lại rất mát. Đất đã chở che cho người dân vùng cao ngàn đời nghèo khó, những ấm áp mát lạnh của tự nhiên. Ngàn đời không cần đến điều hòa nhiệt độ. Ngàn đời chưa đổi thay tường đất thó.

Chỉ e dọc đường đi sẽ bắt gặp một ngôi nhà tường xây gạch, quét vôi trắng, lợp tôn.

Chỉ e sau này những năm đầu thế kỷ 21 những ngôi nhà gạch mọc lên, ở thôn bản, ở góc chợ miền núi phá vỡ đi những kiến trúc nguyên sơ.

Bản làng ở xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha đi qua những thung lũng lúa, nhiều nhà, phơi ngô đỏ ngô vàng dát kín trần nhà. Ngước nhìn thấy ấm vụ bội thu. Bếp nhà nào cũng ủ tro, hễ thổi nhẹ lửa sẽ bùng lên. Và sau nửa câu chuyện, bạn sẽ được chủ nhà thết xôi ngũ sắc, thết thịt trâu sấy khô và rượu ngô nóng. Lữ khách còn được mời món rau cải nướng với lá rứa thơm. Những thứ lá thơm vừa là thuốc bổ, chỉ có đồng bào vùng núi cao mới biết. Người miền xuôi ngơ ngác suốt đời trước những chiếc lá bí ẩn vừa là rau, vừa là thuốc giúp ích cho sức khỏe con người. Giám đốc Cù Đức Đua, Sở Thương mại và Du lịch Yên Bái, ước mơ năm 2008, Quốc lộ 32 sẽ mở rộng hơn. Huyện Mù Căng Chải, huyện Nghĩa Lộ có những sản phẩm du lịch độc đáo như ruộng bậc thang, đồi chè cổ thụ Suối Giàng ngàn năm không thay đổi ở độ cao hơn 1.000 m.

Khu vực Đại Cại, Bến Lăn, nhiều đá cuội của văn hóa Sơn Vi còn bỏ ngỏ chưa níu chân du khách. Chùa tháp Hắc Y mang kiến trúc thời Trần, đền Đông Cuông, di tích Căng, và đền Nghĩa Lộ với những lễ hội Thẩm Hoa, Thẩm Lé ngàn năm chưa xóa nhòa trong nỗi nhớ của người Dao, người Thái, người H’mông.

Vào bản vùng cao ở Mù Căng Chải, bạn có thể cùng người dân bản pha sáp ong vẽ lên vải đay. Bí quyết truyền đời mà người dân tộc mặc vải đay, bởi vì côn trùng rất kỵ loại vải này, nên họ mặc vải đay còn được cả sức khỏe nữa. Bạn cũng có thể tham gia vào ngồi nấu bạc và đúc bạc với người H’mông. Họ chế tác thủ công vòng đeo tay, đeo chân, khuyên tai rất giỏi, nữ trang bạc rất đẹp.

Đã có nhiều nhà lữ hành quốc tế, họ đã đi trước chúng ta một bước. Họ đam mê du lịch khám phá, và họ ghi chép bằng ảnh trước sự đổi thay của Mù Căng Chải. Đó là những chiếc xe máy thay ngựa, những chiếc chảo ăng-ten trên nóc nhà, những chiếc ti vi và cassette. Chính những đồ điện tử hiện đại này đã biến nhiều nhà đất thó ở thôn bản không bao giờ khóa nay đã có khóa.

Tôi không biết mình đang vui hay đang buồn bởi những chiếc khóa cửa của các thôn bản nguyên sở ở vùng cao Tây Bắc.

Nguồn bài
http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/geograph.aspx?param=AB40aWQ9MDAwNzAzMzk=
http://khamphaviet.vn/vn/tin-tuc-du-lich/tin-tuc-du-lich-viet-nam/mu-cang-chai---net-dep-tiem-an.html
Tam Thái (Tuổi Trẻ)
Báo SGTT

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
Người Mông

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
Ruộng bậc thang

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
Trung tâm Thị trấn Mù Căng Chải

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
Ruộng bậc thang

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
Trẻ em đang vui chơi trong một ngôi trường khi chưa tới giờ học

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
Cô gái Mông đang làm cỏ ngô

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam
người đàn bà này gùi những tấm ván đến để dựng nhà

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

Trang thông tin dòng họ Phạm chi cụ Lang Bình Lục Hà Nam

No comments:

Post a Comment