Ruộng bậc thang hùng vĩ tại Việt Nam bắt đầu vươn danh trên thế giới
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 04/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 04/07/2009 17:55 TU
Tạp chí Mỹ Travel & Leisure đã so sánh những thửa ruộng tại Sa Pa như là ''những bậc thang dẫn lên trời'' (ladders to the sky). Chính cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời ấy đã góp phần thu hút du khách đến tỉnh lỵ Lào Cai bằng xe lửa, rồi từ đó đi xe hơi đến Sa Pa. Cư dân thiểu số trong vùng người Hmong và ngườI Dao với các loại trang phục nhiều màu sắc cũng được đánh giá là rất hiếu khách, thân tình.
Danh sách 7 nơi có ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới được tạp chí du lịch Mỹ nêu tên lẽ dĩ nhiên bao gồm vùng Banaue trên sườn núi Ifugao ở Philippines, đã được Unesco chọn làm di sản thế giới vào năm 1995, hay là vùng Nguyên Dương (Yuanyang) ở Vân Nam từng được Trung Quốc đề nghi đưa vào danh mục Di sản của Unesco vào năm 2008.
Bên cạnh đó còn có khu Long Tích (Longji) ở Quế Lâm (Trung Quốc), Mae Rim ở Chieng Mai (Thái Lan), Annapurna (Nepal) và Ubud (Indonesia).
Tuy nhiên, dù nổi tiếng, nhưng Sa Pa không phải là khu vực duy nhất ở Việt Nam có ruộng bậc thang. Các tỉnh lân cận Lào Cai ở vùng Tây Bắc, vùng Trung Du, thậm chí ở Tây Nguyên cũng có những loại thửa ruộng theo loại hình này. Một số người còn cho rằng Hà Giang chằng hạn cũng có ruộng bậc thang tuyệt mỹ, có điều còn ít được biết đến vì phương tiện giao thông không thuận tiện.
Nhìếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên thăm khu vực đồi núi Tây Bắc Việt Nam và đã ghi lại một số hình ảnh về cảnh quan thiên nhiên và cư dân thiểu số ở trong khu vực. Theo anh, ruộng bậc thang vùng Hà Giang cũng đáng được mọi người biết đến.
Đây cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Vũ Thế Long tại Hà Nội. Từng tìm hiểu về các hình thức canh tác luá của người Việt Nam, anh Long đã có rất nhiều dịp đi lên các vùng cao. Trả lời câu hỏi của RFI, anh Vũ Thế Long trước hết rất hoan nghênh sự bình chọn của tạp chí Travel&Leisure, nhất là khi hình thức trồng luá trên các thửa ruộng bậc thang thể hiện một sự thích nghi trọn vẹn của con người với thiên nhiên, trong sự tôn trọng và bảo vệ môi trường.
Mối lo ngại chính của nhà nghiên cứu Vũ Thế Long là sự phát triển thiếu tổ chức của các tuyến du lịch đến các vùng nói trên có thể tác hại đến việc bảo tồn bẳn sắc văn hoá của địa phương. Sau đây, mời quý vị nghe phần phỏng vấn với anh Vũ Thế Long.
No comments:
Post a Comment